Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Chuyện con bò sữa

Chuyện con bò sữa

Đầu năm nay, nghe thầy nói xuất hành hướng Đông Bắc mới tốt, Tony bèn book vé đi Nhật. Tony hay vậy, ai nói xuất hành hướng Tây là đi châu Âu, hướng Bắc là đi Nga, hướng Nam là đi Úc…thành một thói quen vô cùng giản dị.

Vừa sang Nhật, lên FB ghi check-in ở sân bay Narita khoe với bạn bè, bỗng dưng có comment của ông thầy bên Mỹ, dạy môn Leadership, nói thầy cũng đang ở Tokyo. Tony mới hẹn thầy đến quán cà phê hình logo con chim én, tên gì quên mất. Thầy dắt theo 2 anh bạn, 1 Nhật 1 Đức, đều là cựu hạc sinh khóa trên. Anh người Nhật làm tư vấn, anh người Đức làm cho một công ty sản xuất thiết bị di động lớn. Anh người Nhật nghe Tony từng làm việc cho big 6 của Nhật thì à nồ à nồ miết (big 6 của Nhật gồm 6 hãng lớn là Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Fuyo, DKB, Sanwa họ gọi là Keiretsu, phải rất đẹp trai đẹp gái mới được nhận). Keiretsu tức tập đoàn sản xuất từ máy bay đến cây kim sợi chỉ, xây dựng sân bay, đường sá, bến cảng…với doanh số vài trăm tỷ đô, lớn hơn GDP của nhiều nước). Sau này, Hàn Quốc học tập mô hình Keiretsu để thành lập Chaebol như Samsung, Hyundai, LG, Kumho…Tony cũng bắt chước thành lập Tập Đoàn Phượng Tím nhưng vỏn vẹn có 2 nhân viên và 1 căn nhà cấp 4 xập xệ...suốt ngày bị bà chủ đòi tiền thuê nhà nheo nhéo ngoài cổng. Mang phận chủ tịch tập đoàn chứ chạy xe wave alpha, lâu lâu hết xăng thì dắt bộ, bịt khẩu trang, đeo kính đen kín mít vì sợ đối tác chạy xe hơi qua, nước văng vô mặt.

Lại lan man rồi Tony ơi. Thôi vô nội dung chính. Anh người Đức kể, trước đây các công ty công nghệ cao đều có nhà máy ở Trung Quốc, vì nhân công rẻ và có thể bán ra cho thị trường đông dân này. Nhưng chịu không nổi sau một thời gian. Anh kể, một buổi sáng bước vô nhà máy, quang cảnh vắng lặng như tờ. Nhân viên kéo nhau qua nhà máy bên cạnh hết, kể cả bảo vệ. Ảnh nói, lúc thấy nó xây một công trình gì to to bên cạnh với kiến trúc y chang là nghi rồi. Mọi thứ của nhà máy bên cạnh copy 100% như đúc. Thậm chí chỗ ngồi của cô Li phòng chứng từ cũng hướng ra cửa sổ màu xanh, số điện thoại 99999 thì biến thành 99998. Thương hiệu cũng na ná, bên này Honda thì bên đó là Hondao, bên này là Adidas thì bên đó là Adidos, bên này là Apple thì bên đó là Abble, bên này là quả táo cắn dở thì bên đó là quả dưa hấu cắn dở. Giám đốc các công ty Smartphone cũng mặc áo thun quần jean đi qua đi lại trên sân khấu, nói chuyện y chang Steve Job, và thậm chí có ông còn mơ ước bị ung thư chết ở tuổi 54 cho giống vĩ nhân.

Thế là mấy công ty này phải sang các nước Đông Nam Á đặt nhà máy. Tuy nhiên, khó khăn nhất khi thuyết phục hội đồng quản trị mang nhà máy tỷ đô sang các nước ĐNA là tâm lý e ngại nguồn nhân lực không đủ khả năng vận hành. Như đợt tuyển cho nhà máy Intel ở Tp HCM năm 2008, trong 2000 kỹ sư và cử nhân tốt nghiệp ngành IT cả nước, chỉ có 40 người đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ. Phần lớn không nghe tiếng Anh được (Tony về kiểm tra lại lời anh nói và phát hiện là đúng, link http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/intel-rot-tien-san-xuat-chip-tai-trung-quoc-3102911/).

Các bạn sinh viên Việt Nam đang học ngành công nghệ thông tin (IT) thân mến. Kể cho các bạn nghe chuyện này. Năm 2005, trên chuyến bay đi Texas, Tony ngồi cạnh 1 bạn tên Vương, người Đà Lạt. Đường dài nên nói chuyện đỡ chán. Bạn kể bạn tốt nghiệp tin học ĐH Bách Khoa, mù tiếng Anh vì nghĩ không học được. Ra trường xin việc không được nên mất 3 năm làm việc ở một cửa hàng sửa điện thoại di động, lương có 4 triệu. Bỗng dưng một lần, bạn đi về quê, ghé thăm ông chú ở Đức Trọng, nhà ông chú này nuôi bò sữa. Ông chú nói 1 con bò 1 tháng mang lại thu nhập cho chú ấy 5 triệu tiền sữa. Bạn nói lúc đó, trong lòng bạn suy nghĩ ghê lắm. Bạn bèn thay đổi, chứ vầy miết cuộc đời chán chết. Tiền 3 năm dành dụm, bạn đăng ký học 1 khóa IT ngắn hạn 6 tháng của một trung tâm Ấn Độ, vừa học IT vừa học ngoại ngữ như điên, tắm ngoại ngữ trong suốt 6 tháng đó, đi toilet cũng có cái máy đeo bên mình phát ra những bài hội thoại. Bạn xin được học bổng sang Ấn thực tập 1 tháng, vật lộn với cà-ri để tồn tại, "đến nỗi mồ hôi của em cũng mùi cà-ri luôn"- bạn kể.

Bạn kể, đúng như cuốn Thế Giới Phẳng viết, cả thành phố Bangalore làm việc 24h. Tổng đài điện thoại các công ty bên Mỹ chuyển sang Ấn, tiếp tân Ấn nghe, chuyển đến các bộ phận chăm sóc khách hàng. Rồi bác sĩ Mỹ khám bệnh, chụp X-quang, tới 5h chiều chuyển qua Ấn Độ, bên Mỹ ngủ 1 đêm, sang mai lên bệnh viện thì đã có thông tin đầy đủ bác sĩ bên Ấn Độ đọc, gửi lại, bác sĩ Mỹ chỉ việc kê toa. Gia sư Ấn Độ cũng lên mạng dạy kèm học sinh Mỹ, rồi kỹ sư cũng vậy. Do chênh lệch múi giờ nên bên Mỹ ngủ thì bên Ấn Độ thức, làm việc cho nước Mỹ, nhân viên ở Bangalore chứ hưởng lương Mỹ mấy ngàn USD là bình thường.

Bạn kể bạn xin tham gia làm thêm với ông thầy. Sau 1 tháng, bạn về nước, làm gia công phần mềm cho ông thầy bên Ấn luôn, làm xong gửi online qua. Bây giờ bạn đi Mỹ xuất khẩu lao động, cũng ngành IT, tự tìm việc, tự xin visa, tự đi, kiếm tiền vài năm thì sẽ về Đà Lạt mở một trung tâm phần mềm, gia công xuất khẩu cho nước ngoài, giải quyết việc làm cho sinh viên tin học ĐH Đà Lạt, vốn rất giỏi nhưng không có đất dụng võ. Sinh viên VN thông minh lắm, nhưng ngoại ngữ thì kém do các bạn không chú trọng đầu tư học tập hoặc sai phương pháp. Nên kiếm tiền rất ít, uổng lắm anh à. Với kiến thức tin học đó, người có ngoại ngữ kiếm được 50 triệu tháng còn người không có ngoại ngữ chỉ kiếm được 1/10.

Nghe bạn kể xong, Tony bèn bấm chuông gọi tiếp viên mang cho bạn ly sữa tươi. Bạn cười hi hí, nói anh thiệt là tâm lý…

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Cầm đồng lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

Cầm đồng lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Nếu mình nghiêm túc, kỷ luật, đi sớm, về trễ, không tranh thủ thời gian công việc cho cá nhân, toàn tâm toàn ý cho công việc, luôn chủ động báo cáo công việc đúng hạn, luôn có ý thức cống hiến...hãy viết bản kiến nghị để sếp tăng lương cho mình.

Còn nếu mình còn facebook trong giờ làm việc, còn tranh thủ không ai giám sát là làm việc riêng, còn ù ù cạc cạc ngáo ngơ trong công việc, còn ngồi ngây ngô không biết làm gì, còn bao nhiêu thứ tới deadline vẫn chưa nộp...thì hãy nỗ lực hơn vào tháng tới. Tự vả vào mặt và thay đổi. Giỏi giang hơn, nhanh nhẹn hơn, chăm chỉ hơn...

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Thông tin về học bổng du học cho ngành nông lâm và sinh học ở cộng hòa Séc.

Thông tin về học bổng du học cho ngành nông lâm và sinh học ở cộng hòa Séc.

"Tôi tên là T, hiện là nghiên cứu sinh ngành Agroforestry tại trường khoa học đời sống cộng hoà Czech.

Tôi có một thông tin dành cho các nhà khoa học trẻ theo link đính kèm.
http://www.bcfnyes.com/perche-partecipare.php?lang=en

Hi vọng sẽ giúp thông tin cho các bạn về giải thưởng 10,000 EUR cho việc thực hiên dự án liên quan đến Food and Nutrition.

Tất cả sinh viên các bậc học trường tôi đều không đóng học phí. Riêng bậc học tiến sĩ được trợ cấp mức tối thiểu cho phí sinh hoạt và nhà ở. Nếu các bạn sinh viên Việt Nam quan tâm thì có thể xem website: http://czu.cz/cs/

Mến, T"

Các bạn học ngành tự nhiên, ví dụ tốt nghiệp khoa Sinh, Nông Lâm, Thủy Sản…có thể đăng ký học thạc sĩ ở đây miễn phí. Các bạn lớp 12 có thể tính con đường du học đại học tại đây. Học về kỹ thuật ở Séc rất tốt các bạn nhé.


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=972160849503441&id=511088052277392

Dậy tung cửa sổ ra hít thật sâu, thật căng khí trời của ngày mới nào.

Dậy tung cửa sổ ra hít thật sâu, thật căng khí trời của ngày mới nào. Rồi thở từ từ ra. Vung tay chân loạn xạ cho một tuần mới năng động nhé...

Phải học, phải làm...có cái gì đó mới cho tuần mới. Ăn của trái đất bao nhiêu hạt cơm thì phải làm trả lại.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Phết phẩy và ma lanh

Phết phẩy và ma lanh

Gửi A và B,

Như anh trao đổi sáng nay, hai đứa nhớ lời anh dặn. Anh giao cho phụ trách mua hàng, phải hết sức bản lĩnh. Đừng bán rẻ nhân cách mình trong các giao dịch kinh tế. Ngoài xã hội nhiều đối tác họ hay đề nghị khi mình mua cái gì đó, họ sẽ gửi lại cho mình một ít. Mình mà gật đầu một cái, coi như xong.

Vì nó đưa cho mình tiền đó, tươi cười đó, nhưng trong lòng nó chẳng coi mình ra cái gì đâu. Thậm chí là coi thường. Và chất lượng hàng hóa dịch vụ đó sẽ kém hơn, dù sao cũng đã có mình bảo kê bên trong rồi. Mình lỡ nhận tiền rồi, không nói được. Nó giao hàng xấu, giao hàng chậm, dịch vụ kém mình cũng phải làm ngơ.

Do vậy, nếu có ai đề nghị chuyện hoa hồng hay commission cho mình, lập tức từ chối, yêu cầu cắt thẳng vào giá hàng. Em vừa nói như vậy một phát, đối tác sẽ nể em ngay. Và họ cũng sẽ nghiêm túc trong việc giao hàng, làm hàng v.v…vì họ sợ những con người như vậy. Mình nói là em chỉ thay mặt công ty giao dịch, nên tiền này là của công ty, không phải cá nhân em. Mong anh chị thông cảm. Lúc đó, họ ngồi nghe mà không mến phục em thì thôi.

Ai cứ phết phẩy ma lanh, kệ ai. Mình không theo họ. Mình nhận vài ba chục triệu đồng, chả giàu lên. Mình không trở nên đẳng cấp được mà trở thành loại người rẻ tiền, bắt đầu vì tiền trong mọi suy nghĩ. " Ăn quen, nhịn không quen", mình lỡ ăn lần một là sẽ có lần hai. Rồi lần ba lần bốn. Nên mọi giao dịch sau này, tự động mình sẽ vòi tiền, nếu không có là mình làm khó làm dễ, gây khó khăn để người ta phải "hiểu ý", dẫn đến việc gì cũng chậm trễ.

Mình đi làm có thu nhập đàng hoàng, nên biết đủ em à. Một đồng mà do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, mới có giá trị thật sự, em cho cha cho mẹ, cái đó mới là hiếu thảo. Chứ ăn cắp rồi cho cha mẹ thì đó là bất hiếu. Vì không ông cha bà mẹ nào có thể yên lòng xài cái đồng không sạch ấy, khi biết được sự thật.

Rồi sau này có con có cháu, tụi nó sẽ không tôn trọng mình. Mình dạy nó, bảo đừng nói dối, đừng ăn cắp, nó nói sao cha mẹ không làm mà nói con, mình cứng họng. Chưa kể, tiền nào của mình là của mình. Tiền do phết phẩy ma lanh mang lại thì cũng sẽ ra đi dễ dàng.

Làm nghề mua hàng hay duyệt đấu thầu, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa chân thật và tham lam rất mong manh. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu cực hay "chỉ có những gì mình không làm thì người ta mới không biết". Đừng có làm mình HÈN đi vì vài ba đồng vớ vẩn. Làm với anh, theo anh, anh đào tạo mọi kỹ năng để sau này đứng vững với đời, làm gì cũng kiếm tiền nuôi vợ con được. Nên mình phải giữ vững nhân cách. Có nhân cách thì LÀM GÌ, ĐI ĐÂU, GẶP AI, cũng ngẩng cao đầu.

Lang thang trên mạng, tình cờ ad gặp lá thư này.

Lang thang trên mạng, tình cờ ad gặp lá thư này. Lời lẽ khá dễ thương, bạn tự viết cho mình chứ không gửi dượng. Mời các bạn đọc qua nhé.

http://www.marktuyen.com/2015/01/mot-la-thu-ha-noi.html


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=971001996285993&id=511088052277392

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Học bổng cho sinh viên ngành kỹ thuật.

Học bổng cho sinh viên ngành kỹ thuật.
Please find the link regarding Post-master Scholarship by Industrial Design Faculty at Eindhoven University of Technology.
http://jobs.tue.nl/nl/vacature/pdeng-user-system-interaction-213607.html


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=970268486359344&id=511088052277392

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Xử lý hạt giống trong trồng trọt

Xử lý hạt giống trong trồng trọt

Ngày xửa ngày xưa, nước Trung Hoa sở dĩ có tên này vì các hoàng đế nghĩ là đây là đất trung tâm của tinh hoa, các nước lân bang đều bị triều đình xem là của man di mọi rợ cả.

Tuy xem họ không văn minh bằng mình nhưng chính triều đình Trung Hoa lại rất lo sợ. Vì nếu họ mạnh lên thì biên cương sẽ không ổn định và đe dọa thiên triều, đặc biệt là từ người Hung Nô phương Bắc. Do vậy, các chiến dịch phá hoại mang màu sắc rất Trung Hoa được tiến hành trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến, từ văn hóa đến kinh tế, tuyệt đối không để nước nào giàu có hay hùng mạnh hơn. Mỗi cuộc xâm lăng đất khác, trừ sách tôn giáo, các sách dạy làm người, dạy mở mang đầu óc đều bị đốt sạch hay mang hết về bên kia biên giới. Cả chục quốc gia láng giềng đều bị thiên triều đem quân đánh phá "thảo phạt" theo chu kỳ, hòng dẹp mối nguy hiểm về kinh tế trong suốt thời kỳ phong kiến.

Với nước Đại Việt bé nhỏ ở phương nam, triều đình phương bắc lần nào cũng vậy, 14 lần đánh là 14 lần thua, đành rút quân về, bắt tay hòa hiếu nhưng vẫn tiếp tục phá hoại. Đầu tiên là con người. Các nam thanh nữ tú đất Việt, nếu sứ Trung Hoa sang và phát hiện, thì phải tìm cách bắt cóc đem về hòng bổ sung vào nguồn gen tốt của Trung Nguyên (bây giờ việc bán qua biên giới vẫn còn nhưng hẻm phải nam thanh nữ tú nữa mà là mấy cô gái kẹt nét và ham chơi, nên nguồn gen của Trung Quốc càng ngày càng kém). Các long mạch địa linh ở đất Việt như núi Tản Viên, sông Tô Lịch... đều bị người thiên triều sang ếm để không phát vượng trong suốt chiều dài lịch sử, mà đỉnh cao là Mã Viện và Cao Biền.

(Vụ long mạch và cuộc chiến tâm linh giữa Mã Viện, Cao Biền và sự hóa giải của Tả Ao, Văn Tèo sẽ kể ở bài sau. Độc giả tới đây sẽ nhìn nhau hỏi, ủa Tony là ai, là ai mà hiểu biết quá vậy. Mà thông tuệ quá vậy? Câu trả lời là: phàm là Tony, thì cái gì cũng biết. Phàm là người Việt thì đều yêu mến Tony, vì anh ấy không nhưng thông tuệ mà còn đệp choai lồng lộng).

Ừa để kể tiếp. Cứ lan man tự khen mình, nghe bắt mệt. Phàm là của ngon vật lạ của các xứ thì có thể đem về Trung Hoa để thiên triều thêm sung túc, nhưng những gì ngon lành của Trung Nguyên thì không được mang sang biên giới với đội ngũ hải quan dày đặc. Ngay cả một giống ngô ( bắp) cao sản nổi tiếng vùng Giang Nam, năng suất cao, triều đình Trung Hoa xem là bí mật của sức mạnh kinh tế, không cho phép mang đi. Người Tàu nào mang sang sẽ bị tru di tam tộc, còn người Nam thì đi bên đó về, sẽ bị hải quan biên giới khám xét kỹ càng, bóp họng móc tai lột quần xem có giấu hạt nào không.

Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, đó là sự kiện ông trạng nào đó trong 1 lần đi sứ về, đã lừa hải quan Trung Hoa bằng cách nhét hạt ngô vào did của mình và các tùy tùng (giống em bé bị sốt lấy paracetamol nhét vào đit vậy). Sau khi hải quan cửa khẩu khám xét, thấy không mang gì ra khỏi nước họ nên cho qua. Sau đó, các tùy tùng tổ chức ị ra rồi cho gieo trồng. Thật kỳ lạ, những cây ngô này xanh tốt lạ thường, cao sản hơn cả quê hương Giang Nam của nó.

Khoa học ngày nay giải thích, vì trong hậu môn có 1 độ ẩm và 1 số vi khuẩn có lợi thẩm thấu vào trong hạt, giúp nó có độ nẩy mầm cao. Chính phát minh này của ông đã mở đường cho việc phát triển công nghệ vi sinh xử lý hạt giống sau này của thế giới.

Tony có anh bạn, nghe Tony kể nên bắt chước làm nông trại cả mấy hecta. Hôm bữa gặp, thấy đi dạng chân kiểu hàng hai, hỏi sao, ảnh nói phương pháp xử lý giống của em có năng suất rất cao, nhưng đau did quá em ạ.

Hỏi ra thì biết anh ấy đang trồng cóc.

Học bổng tiến sĩ về lúa cho sinh viên Việt Nam

Học bổng tiến sĩ về lúa cho sinh viên Việt Nam

Mình tên là Vũ, hiện đang công tác ở Singapore, mình gửi Tony thông tin về học bổng PhD của tổ chức IRRI (International Rice Research Institute)

http://irri.org/news/media-releases/lee-foundation-scholarships-available-for-promising-rice-scientists

Tổ chức IRRI chuyên nghiên cứu các giống lúa mới nhằm chuyển giao công nghệ cho nông dân các nước nghèo như Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ... và học bổng lần này chỉ dành cho sinh viên các nước Nam Á và Đông Nam Á.

Chúc Tony luôn đẹp trai, khỏe mạnh, có thêm nhiều bài viết hay. Vũ"

P/S: Các trí thức Việt Nam trên thế giới nếu có học bổng tương tự về nông lâm, kỹ nghệ, giáo dục... vui lòng gửi về tonybuoisang@gmail.com để TnBs đăng cho các bạn trẻ đang học trong các lĩnh vực trên tham dự để trở về góp phần xây dựng đất nước phồn vinh hơn.

Mùa hè nắng nóng gay gắt, ánh nắng vào buổi trưa không tốt, nên nhiều thành phố nhiệt đới bắt chước người Bồ Đào Nha, treo dù (ô) giữa phố vào mùa nắng.

Mùa hè nắng nóng gay gắt, ánh nắng vào buổi trưa không tốt, nên nhiều thành phố nhiệt đới bắt chước người Bồ Đào Nha, treo dù (ô) giữa phố vào mùa nắng. Những cái dù nhiều màu sắc được treo giữa đường như bên mình treo đèn điện tử dịp lễ tết. Đặc biệt các con phố có nhân viên công sở đi ăn trưa nhiều thì đây là một giải pháp thú vị. Cũng là điểm để chụp ảnh du lịch và chống nóng mùa hè ở đô thị.

Ở các tp Ả Rập thì họ dùng những trụ che dù lấy bóng mát trên đường phố. Lúc ban đêm hay có gió lớn thì bấm nút xếp lại.

Thấy một bạn email vô tonybuoisang gmail, nội dung:

Thấy một bạn email vô tonybuoisang gmail, nội dung:

"Dượng, con xin tặng dượng bài thơ này

" Dượng ốm

Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng dượng cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời dượng đến giờ chưa tan.

Khắp người đau buốt, nóng ran
Dượng ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh y sĩ đã mang thuốc vào.

Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ dượng lại lần giường tập đi.

Dượng vui con có quản gì
Ngâm thơ kể chuyện, rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo.

Vì con, dượng khổ đủ điều
Quanh đôi mắt dượng đã nhiều nếp nhăn
Con mong dượng khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Dượng là bát nước điều cày của con..."

Tony biết ngay là chế lại từ bài Mẹ Ốm của Trần Đăng Khoa. Đó là một bài thơ cực hay, mới các bạn đọc nhé

"Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.

Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh y sĩ đã mang thuốc vào.

Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.

Mẹ vui con có quản gì
Ngâm thơ kể chuyện, rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo.

Vì con, mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước,tháng ngày của con... "

Lúc bé Tony cũng hay thay thế các đại từ nhân xưng có dấu nặng trong tiếng Việt, vốn là dấu phổ biến nhất trong các đại từ nhân xưng như mẹ, chị, vợ, mợ, cậu, dượng...vô bài này, nên trò trêu này của các bạn tình nguyện viên Tony biết rồi nhé...

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Chuyện tiền chuyện bạc (phần 2)

Chuyện tiền chuyện bạc (phần 2)

1. Cho ai vay mượn? Và vay mượn của ai?

Chúng ta không khinh không trọng đồng tiền, nên trả nó về vị trí là "phương tiện trao đổi hàng hóa". Phương tiện thì lúc được, lúc mất. Vỏ sò, tiền xu, tiền giấy, tiền gửi nhà băng...đều chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa hàng ngàn năm nay và mãi mãi về sau.

Mỗi bạn trẻ muốn thành đạt phải xây dựng bản lĩnh trước tiền. Thực tế có rất nhiều người trước tiền bạc họ không mảy may thay đổi. Có người bản chất là đẳng cấp như vậy, nhưng có người phải qua rèn luyện mới có. Có những người bạn của Tony, cứ cần tiền là họ hỗ trợ vài ba tỷ đồng, chẳng hạn lúc cao điểm vào mùa, khi giấy tờ nhà cửa của Tony đều nằm trong nhà băng để làm thế chấp vay vốn mua nguyên liệu sản xuất, chả còn gì để thế chấp ngoài lòng tin. Nhưng khi có được tiền, dù chút xíu, Tony trả ngay, trả từng phần nếu số tiền lớn quá. Và tới lượt họ cần, mình phải giúp lại, thậm chí thế chấp nhà đứng ra vay để cho họ mượn. Có người bạn thân cần mổ mắt ở Singapore, cần vài trăm triệu, Tony sắp xếp cho mượn ngay trong tích tắc, chỉ vì Tony từng được người đó giúp 5 triệu đồng lúc khó khăn nhất của thời sinh viên. Mang ơn và trả ơn, đó là tình là nghĩa, là ở ăn như bát nước đầy.

Muốn miễn nhiễm với sự tham lam tiền của người khác, PHẢI NGHĨ CHO NGƯỜI KHÁC. CÁC BẠN CŨNG ÁP DỤNG KHI QUYẾT ĐỊNH CHO AI VAY MƯỢN. THỂ LOẠI CÁ NHÂN CHỦ NGHĨA, CÁI GÌ CŨNG VUN VÉN CHO BẢN THÂN HỌ, GIA ĐÌNH HỌ, THÌ PHẢI NÓI KHÔNG, MỘT XU CŨNG KHÔNG. CHỈ CÓ NHỮNG NGƯỜI NGHĨ VỀ NGƯỜI KHÁC, HAY LÀM VIỆC THIỆN, QUAN TÂM CHĂM SÓC NGƯỜI KHÁC THẬT LÒNG, MÌNH MỚI CHO, BAO NHIÊU CŨNG CHO. VÌ HỌ MỚI QUÝ TRỌNG TIỀN CỦA MÌNH, MỚI TRẢ LẠI CHO MÌNH NHANH CHÓNG.

Trong các quan hệ người-người, chỉ có quan hệ mẹ-con là vô điều kiện. Duy nhất, vì đứa con trong bụng tách ra thì coi như 1 thành 2, các quan hệ khác đều dựa trên một sự đổi chác nào đó, dù ít dù nhiều. Cho nên mẹ cho thì lấy rùi hun mẹ 1 cái coi như hết nợ, các khoản tiền khác của người khác, tuyệt đối không lấy nếu không làm cho người ta cái gì đó, kẻo mang nợ vào thân. Tiền vào túi mình phải là từ mồ hôi, nước mắt, sức lao động và trí tuệ của mình. "Ăn cơm chúa, múa tối ngày", chúa cho mình ăn thì mình phải múa cho ổng coi. Người ta bao mình đi ăn 5 lần thì mình phải bao lại 1 lần. Tony cho các bạn ở villa de Tony miễn phí thì yêu cầu các bạn dọn dẹp lau chùi, "lau mà không sạch tao vạch mặt ra". Cuối cùng mặt của gia nhân đứa nào cũng bị vạch nát như tương Bần, vạch cho chúng khỏi nợ khỏi nần mình.

2. Đừng để đồng tiền leo lên đầu lên cổ.

Khi vay mượn của ai đó, mình phải có tâm niệm trả lại ngay lập tức, nhịn đói đi trả xong hẵng về ăn sáng. Tập thái độ vì người khác trước mọi cái lợi của cá nhân mình.

Khi mình vay mượn mà chưa trả được, đừng để người khác đòi. Phải chủ động liên hệ, xin khất, hoặc nói thật lòng, xin gia hạn thêm. Đừng ngại, sĩ diện kiểu châu Á là ngại gặp mặt, cuối cùng mất quan hệ. Mình chủ động giữ liên lạc thì chủ nợ sẽ yên tâm hơn là "lặng mất tăm" như cách nhiều người vẫn đang làm. Rất uổng.

Có nhóm tình nguyện nọ, có lần nhận 50 triệu của một mạnh thường quân để mua bí đỏ, việc xong rồi nhưng các bạn không trả lại ngay, "để dành làm vốn kinh doanh nông sản khác, người ta có đòi đâu, mình phải khôn chứ dượng". Nhiều công ty có sở thích dây dưa công nợ, lúc vay mượn thì ngon lành, lúc trả thì "thấy tiếc" cũng vì tâm lý này của giám đốc hay kế toán trưởng. Chủ nợ phải đòi gắt chứ không là họ đem gửi ngân hàng, dù chỉ một ngày để có "lãi suất qua đêm", bản thân mình biết gửi lấy lãi còn người ta thì không. Nên mới có thành ngữ "đứng cho vay, quỳ xuống đòi". Bạn trẻ muốn thành đạt, phải từ bỏ ngay lối suy nghĩ HẠ ĐẲNG ấy, nếu muốn người ta giúp mình lần 2. May mà nhóm này đã mang tiền trả ngay vào hôm sau, nhưng Tony phải mất 2h đồng hồ phân tích thiệt hơn. Những người Tony tiếp xúc từ mạng ảo xuống đời thật, khoảng 99.9% là người tử tế dễ thương chỉ có 0.1% khôn kiểu Á Châu rất mệt mỏi (nhưng đang tự tát vào mặt mình và tốt dần lên), nên Tony vẫn tin vào tương lai tốt đẹp của các bạn.

Có chuyện này cần kể. Năm 1999, Tony có quen anh khách hàng. Anh thành lập doanh nghiệp, rủ người em trai lúc đó đang dạy học, về làm cùng. Anh em đồng tâm hiệp lực, tuần nào cũng chạy xe máy lên Lạng Sơn buôn hàng về, sau này công ty có nhà máy to vật vã, ai cũng đi xe hơi vài ba tỷ. Chuyện bắt đầu khi người em đưa cô vợ vô làm kế toán. Có mấy khoản thu chi không rõ ràng, người anh bắt đầu nghi ngờ, lập tức đưa vợ vô làm phòng tài chính nhằm kiểm soát. Ăn quen nhịn không quen, một lúc thì chị này phát hiện cô em dâu đã thậm thụt ý đồ ra một công ty mới, đem khách hàng và đánh lén sang đấy bán. Rồi bắt quả tang, anh em to tiếng, cãi vã nhau khốc liệt, tách thành 2 công ty, cạnh tranh nhau từng đơn hàng một. Mỗi lần giỗ cha, 2 anh em cùng về nhưng phải chờ bên ngoài, cô Út nhắn tin "anh cả thắp hương xong và về rồi" thì anh hai mới đánh xe vô nhà. Người mẹ ngồi buồn, khóc miết, mỗi lần Tony tới thăm là ước ao "giá ngày xưa thằng cả đừng kêu em nó vào làm". Đến lúc mất, người ta phát hiện cả sấp đô la mới toanh bà không hề đụng đến, kể cả bào ngư vi cá yến sào nhân sâm 2 anh em mang sang tặng chất đống trong phòng ngủ. Vì cái bà cần là tình yêu thương, cái đã không mua được bằng tiền. Sức mạnh tình cảm của một người mẹ không chiến thắng được sức mạnh lòng tham của 2 đứa con, nay lại thêm 2 cô con dâu cũng "cứ thấy hơi đồng thì mê". Trước sức mạnh đồng tiền, anh em ruột trở thành đối thủ không đội trời chung.

Ông danh nhân gì đó nói, chỉ có 2 thứ người ta không mua được bằng tiền, là sức khoẻ và tình yêu. Người ta sẽ không nhận ra điều này đến khi mắc phải bệnh nan y. Người ta không biết người ta đến với mình vì lý do gì cho đến khi sa cơ lỡ vận. Kẻ thù hôm nay, ngày mai có thể là bạn bè và ngược lại. Vì không có bạn hay thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn, nên đừng sợ mất một quan hệ trong làm ăn, ngày mai cần, người ta sẽ liên hệ lại.

Tham là phải có, nếu không, sống sẽ vô vị, làm việc sẽ kém động lực đi. Nhưng tiền phải do mình làm thì mới là của mình. Quy luật cơ bản nhất của mọi quy luật là nhân-quả, tức là người ta sẽ thu lại cái mà người ta đã cho đi trong quá khứ, và sẽ phải trả lại những gì đã lấy đi. Tây Tàu gì đều có quy luật này. Mình lấy của người ta 1 đồng, sau này mình phải trả 5-10 đồng, con cháu, dòng họ mình phải trả, khổ lắm. Nên bạn nào lỡ lấy gì của ai, từng lấy gì của ai, hãy mau mau trả lại.

Kể nghe chuyện cuối, hồi 2006 Tony có quen bạn M, vô cùng giỏi, làm trưởng phòng một công ty rất lớn. Thân thiết nhậu nhẹt cả 2-3 năm, có lần M rủ Tony bỏ 100 triệu mua "suất mua cổ phiếu" của bạn. Vì công ty bạn ấy không bán người ngoài, cam kết là nếu không cổ phần hoá sau một năm thì bạn sẽ trả lại, có giấy tờ hẳn hoi. Nhưng năm sau, công ty không cổ phần, Tony cho người liên hệ 5-6 lần, M đều lánh mặt, email, nhắn tin không trả lời. M đổi số điện thoại, đứa em tìm đến nhà đòi 2 lần không được. Thấy mệt quá nên Tony bỏ luôn. Vì kiện tụng thì phí thuê luật sư, lại tốn thời gian, thôi thì tập trung xuất khẩu, sẽ có 50 ngàn USD tiền lãi từ mấy container NPK xuất qua Trung Đông, mất 100 triệu được 1 tỷ. Mất tiền học phí để có được sự trải nghiệm, biết được gương mặt ánh mắt cái miệng như vậy là không đáng tin. Tony mỗi lần mất, tự nhủ là sẽ được bù lại cái gì đó lớn hơn, nên lòng chẳng buồn phiền lâu.

Còn M, nghe nói sau này ra riêng, vật vã 2-3 năm không thành công, dù trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm làm việc đầy mình. Khởi nghiệp lần 2-3 cũng thất bại nên nộp đơn xin đi làm lại. Có lần một tập đoàn lớn tuyển phó tổng giám đốc, lương hơn chục ngàn đô/tháng, Tony có ngồi hội đồng xét tuyển vì làm cố vấn cho chủ tịch HĐQT. Đọc hồ sơ CV gửi qua email, thấy còn 2 người trong đó có M, chính xác cái tên ấy, từng làm qua công ty ấy nên Tony chọn bạn kia. Anh chủ tịch HĐQT sau khi phỏng vấn (ảnh sợ bỏ sót nhân tài), nhận xét nói gương mặt này khôn quá, mình không có cảm tình thì đối tác cũng vậy, để bạn ấy điều hành thì công ty sẽ khó đi lên. M nhận được ít phiếu hơn nên trượt, và chẳng bao giờ hiểu tại sao. Nhưng độc giả thì hiểu rồi nhé. Quả ngọt khi cây được trồng trên đất lành. Người thành đạt và giàu có bền vững khi họ có sự trung thực, sự chính trực và không tham của người khác.

Bữa Tony lên dự lễ nhậm chức phó tổng mới, mới bàng hoàng nhận ra phó tổng mới là người quen cũ, dù Tony bữa đó mới biết tên anh là Q. Cách đây 14 năm, một người anh họ của Tony (ở chung nhà trọ) bị tai nạn giao thông lúc nửa đêm ở cầu Thị Nghè, chính Q là người chở anh Tony vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, dù máu me dính đầy chiếc xe ô-tô Martiz mới cáu (giờ mới biết là lúc đó Q mới đi du học về). Q gọi điện cho Tony lên bệnh viện để bàn giao, tiền viện lúc đó khoảng 5 triệu, phải đóng tiền để mổ ngay. Thấy Tony quýnh quáng gọi điện về quê mượn tiền nên Q lẳng lặng ra ngoài rút tiền ở máy ATM, vô dúi vào tay Tony, nói lo cho anh đi. Tony có xin số ĐT và địa chỉ của Q để sáng mai lên trả lại. Q có lẽ nhìn thấy chiếc xe máy cà tàng của Tony và đống sắt vụn của ông anh, nên nói thôi không sao đâu, rồi kiên quyết bỏ đi. Vì quá vội lo cho anh nên Tony chạy theo ra bãi giữ xe cúi đầu cám ơn, thấy ghế sau xe dính đầy máu, còn Q bình thản ngồi vào ghế lái, gương mặt thản nhiên và bình an. Đàn ông đẹp phải là như vậy, thấy người hoạn nạn phải ra tay giúp đỡ mới là trang hảo hán, mới là người văn minh. Máu người thì cũng sợ hãi đấy, nhưng sẽ là bình thường khi lòng nhân ái của chúng ta lớn hơn. Tony nhìn theo bóng chiếc xe chạy xa dần ra khỏi cổng bệnh viện, trong lòng thấy xúc động vô cùng, bất giác nước mắt lăn dài trên má. Đến bây giờ, anh em nhà Tony cứ áy náy, mong gặp lại một lần để trả nợ. Ai ngờ quả đất thì cứ tròn. Tròn lắm. Xoay tròn nhân và quả, quả và nhân. Người tốt, người hào sảng trên đời hãy còn nhiều lắm...

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Cùng nhau ngồi trên xe tham quan đảo quốc Singapore nhé.

Cùng nhau ngồi trên xe tham quan đảo quốc Singapore nhé. Đường phố luôn có cây xanh 2 bên (cây tán to, có bóng mát) và cây xanh ở giữa dải phân cách (cây dáng thẳng, tránh đèn xe ngược chiều rọi vào khi ban đêm). Nhà cửa/công sở đều phải xây lùi vào bên trong vài chục mét, mấy trăm mét có 1 lối rẽ vào riêng một khu dân cư hoặc một khu cơ quan nào đó để tránh đâm thẳng ra đường.

Singapore cũng có thể gọi là thành phố vì diện tích nhỏ. Tương lai sẽ là thủ đô của cộng đồng Asean giống Brussel của EU. Đây là thành phố nhiệt đới duy nhất lọt vào kiểu mẫu vì sự hoàn hảo đến từng cm. Hiện các cơ quan địa chính của Băng Cốc, Manila, Jakarta, KL, Dubai...đều cử người đến học tập tham quan Singapore để chỉnh trang đô thị của họ. Mỗi chiếc lá rớt xuống đường, nếu 1 người dân đi ngang qua nhìn thấy sẽ cúi xuống nhặt và bỏ vào thùng rác. Ở nhà mỗi người dân, là thói quen sạch sẽ đến từng mm, nên khi ra đường, họ cũng sạch sẽ chứ không ở bẩn được. Mỗi khi thấy một cái gì đó xấu xí, bất cập trên phố, người dân sẽ chụp lại hình và gửi cho cơ quan quản lý, cơ quan quản lý sẽ có nhiệm vụ trả lời trong vòng 1 tuần và tiến hành tu sửa. Họ hy sinh quyền lợi cá nhân để quyền lợi tập thể được ở mức cao nhất. Họ sẵn sàng đập nhà "từ đường" để dọn vào khu chung cư, nhường "miếng đất cắm dùi" đó thành nơi trồng cây xanh. Tuy nhiên, họ vẫn thích sử dụng phương tiện cá nhân nên thành phố áp mức phí lưu thông xe trên đường rất đắt, đắt gấp mấy lần giá tiền mua xe, nên chỉ có người rất giàu mới xài ô-tô cá nhân. Tiền đánh thuế này dùng để trợ giá phương tiện công cộng.

https://www.youtube.com/watch?v=WgxmX8dlJPg


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=968642166521976&id=511088052277392

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Eveyone is a genius.

Eveyone is a genius. Mỗi người đều là thiên tài khi có ý chí mạnh mẽ. Hãy suy nghĩ và sống khác đi để potentiality trở thành reality. Nhanh nhanh lên bạn ơi...

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Một ngày chủ nhật thật ý nghĩa nhé các bạn.

Một ngày chủ nhật thật ý nghĩa nhé các bạn. Ở tp nên đi xe buýt ra ngoại ô để câu cá, cà phê, thăm bạn bè. Sau đó bạn trai đi tập gym, đá bóng, tennis, bạn gái tập cầu lông, yoga, chạy bộ công viên...Sau đó đi ăn uống, xe, phim, rồi chiều cùng nhau gội đậu mát xa mặt. Các bạn ở nông thôn xin hoa về trồng quanh nhà, đừng để đất trống, cứ có chút xíu đất là trồng một cây hoa cho cuộc đời tươi đẹp.

Trừ phi mai phải đi thi hay hôm nay phải đi trực, chủ nhật là ngày dành cho thư giãn để tái sản xuất sức lao động. A beautiful sunday!

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

SINH VIÊN NÔNG NGHIỆP NÊN ĐI THỰC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI

SINH VIÊN NÔNG NGHIỆP NÊN ĐI THỰC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI

Trung tâm Đào tạo Quốc tế -Trường Đại học Nông Lâm TP có Chương trình vừa học vừa làm năm 2015 tại Israel :
1. Điều kiện tham gia:
• Có khả năng giao tiếp tiếng anh, có sức khỏe, có đạo đức tốt, sẵn sàng làm các công việc chân tay tại nông trại
• Phải thông qua khóa học "Nông nghiệp và văn hóa Israel" do Trung tâm Đào tạo Quốc tế trường Đại học Nông Lâm tổ chức. "Xem website của Trung tâm "
• Sinh viên năm 2,3,4 thuộc các Trường Đại học và đã tốt nghiệp một năm
• Ưu tiên cho sinh viên năm cuối các ngành: Nông học, Thú y, Công nghệ thực phẩm, Lâm nghiệp, Trồng trọt, Hoa viên cây cảnh, Khuyến nông và phát triển nông thôn.
• Tuổi đời từ 21 – 33
2. Thời hạn học tập và làm việc tại Israel : 10 tháng tại ARAVA; 11,5 tháng tại Agrostudy và 10 tháng tại Ramat Negev
3. Quyền lợi:
• Được cung cấp chổ ở tại nông trại trong suốt thời gian học tập và làm việc• Được hỗ trợ bảo hiểm y tế; được đi tham quan miễn phí các thắng cảnh tại Israel như: Biển chết, Jerusalem,…
• Mỗi tháng học viên có thể tiết kiệm từ 500 USD đến 1000 USD sau khi đã khấu trừ tiền học phí
4. Trách nhiệm người tham gia:
Tự túc mua vé máy bay, khám sức khỏe theo đúng địa chỉ bệnh viện mà đại sứ quán Israel quy định. Lệ phí chương trình, visa. Tuân thủ các quy định quản lý của nước bạn
5. Thời gian nộp hồ sơ và phỏng vấn
• Thời gian nộp hồ sơ: Từ ngày 12/01/2015 đến trước 16h ngày 10/05/2015
• Phỏng vấn tiếng anh và thông báo kết quả trúng tuyển: cuối tháng 05/2014 đối với các học viên tham gia khóa học "Tiếng Anh nông nghiệp và văn hóa Israel"
• Đăng kí visa, đặt vé máy bay: tháng 06/2015
• Lên đường sang Israel: cuối tháng 07/2015
Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Web: http://cie-nlu.hcmuaf.edu.vn

Các bạn chưa có ngoại ngữ tốt có thể tham gia đăng ký các khóa học tiếng Anh tại http://cie-nlu.hcmuaf.edu.vn/

Các bạn có thể tự search "Agricultural Internship hay Agricultural Apprentice", có vô cùng nhiều các chương trình thực tập, phần lớn đều có tiền công. Có nhiều bạn đã đi, ví dụ bạn Hòa với chương trình này ở Mỹ http://michaelfields.org/category/internships-and-jobs/ .

Nhiều bạn đã đi chương trình Working Holiday ở New Zealand như bạn Bằng, bạn Thùy Dương http://www.immigration.govt.nz/migrant/stream/work/workingholiday/vietnamworkingholidayscheme.htm thực tập về nông nghiệp, làm việc trong các nông trại kiwi, táo, bò sữa...ở đây trong 1 năm.

Các bạn phía Bắc có thể liên hệ với trường Nông nghiệp 1, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên (http://tuaf.edu.vn/danh-sach-bai-viet/%E2%80%A2--thuc-tap-nghe-nghiep-90.html) , các bạn ở Miền Tây liên hệ với ĐH Cần Thơ, An Giang (đã có nhiều bạn đi về rồi http://agri.agu.edu.vn/?q=node/771); các bạn ở Miền Trung có thể liên hệ http://ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=9196:lan-dau-tien-trien-khai-chuong-trinh-du-hoc-nong-nghiep-cong-nghe-cao-israel-tai-da-nang&catid=89:dao-tao-nguon-nhan-luc&Itemid=61


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=966533890066137&id=511088052277392

Hiện nay, giá trứng vịt tại các tỉnh miền Tây đang ở mức rất thấp, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở đây rất lo lắng.

Hiện nay, giá trứng vịt tại các tỉnh miền Tây đang ở mức rất thấp, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở đây rất lo lắng. Các bạn có thể làm trứng vịt muối theo kiểu Phillipines, rất thơm ngon, để được rất lâu, vài ba tháng nữa khi trứng vịt tăng giá vì vào vụ hè thu, các bạn có thể bán ra.

Các bạn ở thành phố cũng cố gắng tiêu thụ giúp để tăng sức mua trứng vịt nhé, làm mỗi gia đình một hũ, để dành ăn sáng với cháo trắng rất ngon.

https://www.youtube.com/watch?v=kQYdwk3CjII


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=966481003404759&id=511088052277392

Chuyện tiền chuyện bạc

Chuyện tiền chuyện bạc

"Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước để đo lòng người". Nhưng hãy lấy tiền ra đo, một số lòng người đo được bằng tiền. Nhiều người có thể giữ mình ở mức vài ba triệu, nhưng có thể thay đổi trước vài ba tỷ. Nhưng cũng có kẻ trước tiền bạc không hề gục ngã, vẫn giữ vững giá trị và bản lĩnh của mình. Tiền bạc là chủ đề rất khó, nên các bạn trẻ cần chuẩn bị một thái độ ứng xử phù hợp để có thể bắt nó làm nô lệ, làm phương tiện để mình đạt được mission của cuộc đời. Nếu không, nó sẽ trở thành ông chủ, sai khiến mình, khiến mình khổ miết. Rồi lúc chết đi, mới giở nắp quan tài thều thào nói lời cuối, rằng "ngày xưa tui biết tiền chết không mang theo được như vầy thì tui đã khác. Nói xong đóng nắp quan tài lại rồi chết" (trích tác phẩm "một cái chết dễ thương"-TnBS xuất bản năm 2016).

Phần 1: ứng xử với tiền

Tony có một người bạn học chung cấp 1, sau đó Tony chuyển trường. Bẵng bao nhiêu năm mất liên lạc, bạn ấy tự tìm đến. Lúc đó Tony vừa mở công ty. Bạn đến kể chuyện 2 đứa ngày xưa tắm mưa thế nào, rồi hoàn cảnh phải nghỉ học ĐH ra sao...Tony rất quý nên giữ lại, 3 ngày đãi tiệc nhỏ, 5 ngày đãi tiệc lớn. Tony chỉ bạn cách làm sổ sách giấy tờ, hy vọng là bạn làm thủ quỹ cho công ty. Mình đi bán hàng cả ngày, có một người thân tín trong làng trong xã, quen biết từ lâu giữ tiền giùm thì cũng yên tâm. Đi thu tiền khách hàng, lần nào cũng bình thường, vài ba triệu, bạn đem về đầy đủ. Có lần bạn thu 50 triệu, chiều đó mọi người trong công ty ngồi đợi mãi. Rồi bạn về rất khuya, bảo là bị rớt mất lúc đổ xăng, thề thốt khóc lóc um sùm, viết giấy cam kết sẽ trả lại sau 5 năm, và tới giờ không liên hệ lại. Tony mất ngủ cả mấy đêm cân nhắc cách giải quyết, vì biết bạn dùng số tiền đó để đổi lấy xe tay ga bạn hằng ao ước. Cuối cùng Tony quyết định không làm lớn chuyện, vì giá trị của bạn ấy chỉ là 50 triệu. Đúng mức giá ấy, bạn đã bán mình. May mắn là mình chỉ mất 50 triệu chứ sau này làm thủ quỹ mà tiền hàng hoá lên đến mấy tỷ, không biết ra sao.

Lúc thành lập 30 nhóm tình nguyện, có nhiều chuyện bây giờ mới dám nói. Có bạn đến với chương trình với tâm rất sáng, 1-2 triệu tiền lãi thì nộp vô nhóm ngay, nhưng thấy lãi 20 triệu thì nghĩ khác, vội vã rời nhóm để tự kinh doanh, dễ ẹt, lên miền núi mua đặc sản về thành phố bán ấy mà. Có nhóm không thèm đi họp, ban tổ chức nói gì cũng không nghe, nói "mấy người không có quyền". Có nhóm Tony yêu cầu công khai tài chính là phớt lờ, nói không có thời gian, hỏi bạn này thì "dượng hỏi bạn kia đi". Tony phải nhắn tin cả chục đứa, năn nỉ, ra lệnh, yêu cầu...thậm chí chán quá đòi đóng page chính TnBS, nhưng có bạn nói "tuỳ ông, ông không viết nữa thì kệ ông chứ doạ tôi làm gì, đây không đóng page, không công khai tài chính. Page để dành vài bữa chúng tôi kinh doanh cái gì đấy thì kêu ủng hộ, chúng tôi là người khôn cả". Có nhóm kiếm được vài ba chục triệu thì đòi "cho mỗi bạn 1 cặp vé về quê ăn tết, vì tiền này là công sức các bạn". Có nhóm sáng đến tối kiếm được 3 triệu thì đã nhậu hết 2 triệu để "bồi dưỡng sau một ngày lao động vất vả", trong khi cam kết ban đầu là chi phí gì cũng tự bỏ. Có bạn thì lấy tiền nhận mua nho giùm rồi không chuyển hàng khiến nhóm kia khóc lóc, không ngủ được, dù chỉ có mấy triệu đồng, nửa đêm còn nhắn tin "dượng đòi giùm nhóm con". Tony nói 2 lần, bạn giải thích là bạn chuyển cho nhà vườn, nhà vườn không chuyển nho cũng không chuyển lại tiền, bạn không đòi được nên thôi. Tony yêu cầu BTC gửi lại tiền nhóm kia cho xong chuyện, may mà tiền sách Tony cho BTC cũng còn khá để bù các khoản trời ơi này.

Dù các hiện tượng này chỉ là cá biệt trong 400 tình nguyện viên vô cùng dễ thương và tử tế đợt rồi, nhưng thế mới thấy, đụng tới tiền bạc, kẻ kém bản lĩnh sẽ thay đổi. Dù hôm trước nghe chuyện, người này sẽ phê bình người kia, nhưng đến khi có chút tiền trong tay, chính mình lại hành xử khác. Có bạn mượn tiền của Tony xong để khởi nghiệp, dù chỉ vài ba chục triệu, Tony gọi lại thì không nghe máy, nhắn tin không trả lời, một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy. Cho mượn thì biết trước là đã mất, nên Tony chuẩn bị tinh thần, không bị sốc gì cả. Và may mà mình cũng giàu có quá, nấm rơm cứ tưới nước là "mọc lên như nấm" bán được khối tiền, chứ làm ăn khó thì cũng đã lao tới nhà chúng nó, sống mái một phen. Sẽ xõa tóc rũ rượi trước thềm, lừng lững vô nhà, mắt trừng trừng đỏ lòm, miệng gầm gừ sùi bọt mép, Tony Tèo sẽ trở thành Tony Phèo với chúng nó ngay, sẽ 'you will know my hand' ngay.

Như câu kết luận "human nature is changeable" trong cuốn sách "how money changes the way we think and behave", việc mất quan hệ với những cá nhân ấy không để lại chút nuối tiếc nào. Có thể các bạn ấy đã không nhận ra rằng mình đã thay đổi. Khi lòng tham nổi dậy, lý trí và tình cảm sẽ bị che mất, hôm trước thì thương dượng Tony vô cùng, gửi thư "con confirm lại lần nữa là con yêu dượng" nhưng hôm nay thì "tiền ơi tiền, cháu yêu tiền lắm". Khi lòng tham nổi lên, họ sẽ nghĩ chỉ họ đúng còn người khác sai hết. Tính tham lam sẽ khiến chúng ta bỗng dưng có gương mặt trở nên xôi thịt, ánh mắt sẽ đảo tròng liên tục, nhìn gian gian. Cái lạ là càng nghĩ về tiền, thì lại càng kiếm không ra. Các bạn khó kiếm tiền là do khôn quá, thử một lần bớt khôn mà nghĩ cho người khác xem sao.

Nhiều người nói "nếu tôi trúng số độc đắc, tôi sẽ mua cái này cái kia cho người nghèo.." thì thực tế tới lúc đó mới biết được. Phần lớn lúc trúng xong sẽ suy nghĩ "nó nghèo kệ nó, tiền này của mình" nên sẽ dùng mua nhà mua cửa, đổi xe, đi du lịch,..những cái lợi cho bản thân mình thôi. Có người nói, nếu tôi thành tỷ phú, tôi sẽ vẫn là tôi...thì chỉ khi nào giàu có mới biết được có đúng hay không. Vì nhận thức, suy nghĩ và hành động CÓ THỂ SẼ THAY ĐỔI khi có tiền trong tay.

Tony có một chị bạn thân, chị có căn nhà ông bà để lại nhưng bị mất hết giấy tờ, giờ muốn có sổ hồng để bán phải truy lục rất khó, chồng chéo mấy chục người thừa kế ở nước ngoài phải từ chối tài sản thông qua hợp pháp hoá lãnh sự nên chị nghĩ chắc không bao giờ được. Chị thuê một ông luật sư, nói anh giúp em, em mà có căn nhà này coi như món tiền trên trời rơi xuống, em sẽ chia cho anh 1/3. Ông luật sư làm 2 năm mới xong giấy tờ. Có sổ hồng trong tay, có người trả giá căn nhà 300 tỷ nên chị thấy tiếc. Gặp Tony, chị kể ối cái này dễ ẹt, chị tự làm cũng được, hồi đó chị ngu quá nên mới nhờ luật sư, trường hợp này dễ mà ông luật sư không nói, coi như là lừa chị. Chị chỉ đồng ý cho 100 triệu thôi. Ông luật sư này đâm đơn, thắng kiện vì văn tự rõ ràng. Chị gần như hoá điên, lảm nhảm cả ngày, dù ĐƯỢC 200 tỷ trong tay nhưng chị chẳng quan tâm vì mãi nghĩ đến việc đã MẤT 100 tỷ. "Đồng tiền đi liền khúc ruột", cứ chiều chiều, chị kêu tài xế đánh xe Audi A8 chở chị ra bờ sông Phú Mỹ Hưng, leo lên cầu Ánh Sao, vừa ngồi ăn mắc-ca vừa xoã tóc ngồi khóc đến sưng mắt. Khi hoàng hôn buông tím ngắt trên dòng sông Nhà Bè chia đôi Đồng Nai Gia Định, khi bìm bịp lẻ bạn kêu khắc khoải đến nao lòng, thì chị mới trở về biệt thự 20 tỷ, trả thù ông luật sư. Chị rửa hình ông ấy ra, soi trên ngọn đèn, lấy kim chọt. Tối chị lấy kim chọt miệng thì sáng mai ông luật sư sưng miệng, mồm vêu lên, cãi không được. Tối chị chọt bụng thì ông luật sư đau bụng, chị chọt chân thì ông ấy bị đau chân, có bữa không biết chị chọt chỗ nào mà ông luật sư chỉ còn mạnh toán hoá, mấy môn sinh lý sử địa ông luật sư yếu hết trơn hết trọi.

Phần 2: Bản lĩnh điều khiển đồng tiền

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Hệ thống giao thông ở Thượng Hải

Hệ thống giao thông ở Thượng Hải

Thượng Hải đã cấm xe máy từ rất lâu, nên xe cá nhân chỉ có là ô tô con (biểu tượng thịnh vượng của bất cứ 1 xã hội hiện đại nào), xe đạp, xe đạp điện. Người dân sử dụng chủ yếu xe buýt và tàu điện ngầm để đi lại, tới trạm đi bộ trong bán kính 2km là bình thường. Khu trung tâm như quảng trường nhân dân, đậu xe ô tô cá nhân ở đây tính ra 5 USD/h, ai giàu muốn tự đi xe thì phải trả tiền này để thành phố bù vô, trợ giá cho phương tiện công cộng. Ở các khu trung tâm New York (khu Times Square 20 USD/h), Paris, London, Tokyo, Seoul…đều có mức giá cả chục USD/h đậu xe cả.

Xe buýt chạy bằng điện, các bạn có thể thấy dây điện giăng giăng là điện cho xe buýt.

Ở Thượng Hải cũng như các thành phố lớn khác ở Trung Quốc, nhà ống cổ truyền ngày xưa đều bị dỡ bỏ để xây chung cư, mật độ xây dựng dưới 30%, nhường không gian để có thể đậu xe ô tô và cây xanh, cũng như sân vui chơi cho trẻ nhỏ.

Hầu hết các trục đường lớn đều là đường 2 tầng, có nơi 3 tầng. Mặt đường trải nhựa tiêu chuẩn cao tốc nên chạy rất êm, có thể đọc sách trên xe.

Các bạn tham quan clip này để hiểu biết thêm về giao thông của một đô thị hiện đại.

https://www.youtube.com/watch?v=Rg2S-mBWa94


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=965590840160442&id=511088052277392

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Tuyển nhân viên quản lý tài chính kế toán

Tuyển nhân viên quản lý tài chính kế toán

Công ty đối tác XNK của dượng Tony cần tuyển 1 kế toán. ĐK: Nam, dưới 30 tuổi, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành kinh tế (ưu tiên kế toán, tài chính, ngân hàng). Tuyệt đối cẩn thận tỉ mỉ với các con số. Phải đi lại giao dịch với ngân hàng, công ty logistic nhiều nên phải có xe máy. Trung thực, kỷ luật. Đọc TnBS ít nhất 6 tháng. Kinh nghiệm đi làm 1 năm trở lên. Không khôn vặt, ma lanh, phết phẩy. Có thể nhận việc làm ngay vì công ty đang cần gấp.

Lương: chính thức 300 USD + phụ cấp ăn trưa, xăng xe đi lại. Nơi làm việc: quận 1 tp HCM. Gửi hồ sơ gồm CMND, hộ khẩu, bằng cấp (chỉ cần sao chụp không cần công chứng), sơ yếu lý lịch và thư xin việc viết tay ghi rõ khả năng làm việc của mình + tấm hình 4x6, gửi trực tiếp về địa chỉ 368 Nguyễn Thị Minh Khai P.5, Q.3, người nhận: Mr Khoa. Hạn chót nhận là ngày mai 18/3. Cám ơn đã đọc tin. Admin TnBS

Những lần xê dịch

Những lần xê dịch

Trong 5 năm học ĐH, Tony không từ cái nghề gì mà làm ra tiền chính danh hợp pháp. Từ tiếp thị dầu gội đầu tới từng nhà đến bán nước mắm, đến làm lịch, đến phụ giữ xe, bán quán, mở cửa khách sạn... Năm cuối đi làm trong một công ty XNK lương 800k đồng/tháng, dù có khách sạn 4 sao nhận làm tiếp tân trả lương 1.5 triệu (hồi đó vàng chỉ có 4-5 triệu/lượng) nhưng Tony kiên quyết từ chối. Vì mission của đời mình là ngoại thương, là mua của Nga bán cho Pháp, mua của Nhật bán cho Mỹ...nên phải tích lũy kinh nghiệm. Còn lương bổng, tiền bạc thì bao nhiêu sống chẳng được.

Ngày nhận bằng tốt nghiệp, xin nghỉ làm 1 ngày để đi nhận bằng. Tối đó, đem cái áo cử nhân về nhà bỏ vô tủ, tự nhiên mất ngủ. Ngồi ngẫm nghĩ lại quãng đời sinh viên của mình, thấy bàn tay chai sạn hết, và còn dư được 3 cây vàng. Ngồi mân mê, nhớ những lần đi bán hàng, đạp xe rần rật chạy vạy trong mưa, trong nắng, bị đuổi, bị chửi…thấy 3 cây vàng này giá trị ghê gớm. Trong đầu lúc đó cũng suy nghĩ, hay là đổi chiếc xe máy mới. Nhưng nghĩ lại, bạn bè mình bây giờ cũng vừa tốt nghiệp, tay trắng cả, mình cũng tay trắng luôn đi, chứ tự nhiên xuất phát điểm của mình vượt trội thế này coi sao được.

Tony quyết định xách ba lô đi xuyên Việt một chuyến, tới vùng đất nào đẹp thì ở lại lâu, không đặt trước khách sạn hay tàu xe gì cả, tự ứng phó cho thêm phần thú vị. Sáng hôm sau, Tony ra tiệm vàng Mi Hồng bán hết, gửi vô ngân hàng nông nghiệp, tới đâu cũng rút được vì hệ thống ngân hàng này có tới từng huyện.

Cái ra ga mua vé tàu đi Huế, liên hệ bạn bè coi có ai về Huế làm việc không. Đêm trăng ra biển Thuận An tắm, rồi Vĩ Dạ Thanh Long chi cũng ghé thăm. Rồi đi Quảng Bình Quảng Trị nằm dài trên bãi biển Nhật Lệ, ngồi nhậu nghêu với mấy ông đánh cá ở Cửa Tùng, chèo thuyền trên sông Thạch Hãn, đi coi động Phong Nha Kẻ Bàng với dòng sông Son huyền thoại. Rồi đi vô Hội An, chiều chiều đạp xe xuống Cửa Đại ăn cháo đậu xanh giò heo, "núa giọng Quoảng" trêu chọc mấy chị bán hàng. Đi Mỹ Sơn với tour du lịch của bọn Tây ba lô. 5 năm cày cuốc, mấy đồng đó là bao mồ hôi nước mắt của một đời sinh viên, coi như "tạm biệt gấu Misa nhé, mai em vào lớp 1 rồi", thôi xài hết. Sau này mình đi làm sẽ có rất nhiều tiền, Tony luôn trong lòng nghĩ như vậy, tập tính buông bỏ cho nó hào sảng. Sau khi cả tháng lang thang chơi ớn rồi, thôi vô lại Sài Gòn, lần này không đi tàu lửa nữa, sợ ngồi ê mông. Bữa ở sân bay Đà Nẵng chuẩn bị check-in, trong túi còn đâu có hai ba chục ngàn, thay vì mua dĩa cơm ăn, Tony mua luôn thanh kẹo chewingum nhai nhóc nhách cho vui miệng. Tới sân bay Sài Gòn lúc nửa đêm, nhắn tin bạn M ra đón trong tình trạng "không xu dính túi".

Cuộc sống sau đó sang trang với việc làm trong một tập đoàn lớn của Nhật. Rồi bị đuổi việc do công ty tái cơ cấu không cần vị trí đó nữa. Ra riêng buôn bán được 1 năm, để dành được 7000 USD, Tony quyết định tham gia hội chợ London để có khách xuất khẩu, sẵn đi chơi châu Âu cho biết. Đó là canh bạc lớn nhất của Tony, vì lúc đó, 7000 USD là có thể mua 1 miếng đất nhỏ ở Thủ Đức. Người thân nói mày chưa có nhà có cửa, sao không mua miếng đất phòng thân, an cư mới lạc nghiệp. Họ phân tích việc tìm khách chưa chắc có, mà riêng vé máy bay đi Anh khứ hồi đã là bao nhiêu đô, một gian hàng nhỏ hết bao nhiêu đô, rồi khách sạn bèo nhất ở London cũng cả trăm bảng, rồi phải ra Hà Nội phỏng vấn 2 chuyến bay ăn ở, mà chưa biết có visa không. 7000 USD chỉ có khoảng 4000 bảng, bằng lương 1 tháng của người ta bên đó. Đừng đi, nghe lời anh. Đừng đi, nghe lời chị. Tony trong lòng cũng gật gù nhưng thấy mệt quá. "Có phúc làm quan, có gan làm giàu", xưa nay người ta đúc kết vậy rồi. Những đội thương thuyền người Hà Lan, người Hoa, người Ấn đến Hội An, Vân Đồn... từ thế kỷ 15-16, tàu gỗ với mấy miếng vải buồm, sóng to gió lớn thế nào chả biết vì có dự báo thời tiết gì đâu, bỏ mạng trên biển là bình thường. Nhưng như vậy thì người ta mới giàu, mới có các con đường tơ lụa lưu thông hàng hóa quốc tế. Mình cứ sợ không dám đi đâu, thì chỉ ngồi sau lũy tre vớt bèo nuôi lợn, mất gà thì chửi hàng xóm, thèm đạm thì đập chết con Vàng nấu rựa mận lá mơ lông, mua chiếc Dream thì dựng trước cửa lau chùi miết, ngó coi có ai ngang qua thì kêu vô thăm quan "tài sản".

Tony chưa bao giờ sợ mất tiền, mất thì làm lại. Ngày xưa mình lên thành phố ngủ công viên để thi đại học còn được, giờ mình không đi hội chợ quốc tế thì làm sao có khách mà xuất khẩu? Lúc phỏng vấn visa đi Anh, nhân viên đại sứ nói mày trẻ măng, đẹp trai, lanh lợi, vợ con chưa có, tiếng Anh tốt như vậy nguy cơ ở lại rất cao, mày hãy chứng minh là mày sẽ trở về Việt Nam. Tony trề môi dài cả thước, nói tao không hài lòng về câu hỏi này, tao là một doanh nhân trẻ của một đất nước độc lập, tụi mày phải tôn trọng. Tụi nó sợ quá, mặt tái ngắt, gập đầu nói Ok sir, your visa will be approved. Cái nó hẹn 3 ngày sau tới lấy, Tony liền nói tao cũng không hài lòng về câu trả lời này. Tụi nó bu lại hỏi ủa sao không hài lòng miết vậy, cái Tony nói tao muốn chiều nay có luôn, vì tối tao phải về Sài Gòn, mai phải bán phân. Nó nói ok ok, còn xin chụp hình chung, xin số điện thoại mà Tony đâu có cho. Dễ gì cho.

Thế rồi Tony mới sang London, thuê 1 gian hàng có mấy mét vuông, bày hàng hóa của mình ra, vài gói phân bón mẫu, mấy tờ leaflet in màu lòe loẹt. Bận cái "áo vét chú rể" đi thuê ở hiệu cho thuê đồ cưới ở cầu Thị Nghè, đeo cái cà vạt màu kem, cứ thấy cây phong nào ra lá vàng là đứng chụp hình. Giờ nhìn cái hình cũ chụp chỗ Stamford Bridge mà cười muốn rụng rốn, nhìn quê lòi. Chỉ có gương mặt là hết sức thanh tú, gặp ai cũng nhảy ra "hello, welcome to Vietnam" nên khách bu lại coi. Tony chuyện trò bằng thứ tiếng Anh trong Chim Lai 1 (Streamlines 1), tụi nó nói Your English seems like something in a book published long time ago (ý nói mày nói tiếng Anh trường phái cổ kính). Nhưng khách quốc tế nể phục lắm, vì mới có hai mấy tuổi đầu mà tự mình mang hàng sang rao bán, ghi trên danh thiếp là "founder/owner" thì "không phải dạng vừa đâu"... (còn tiếp)

Các bạn trẻ khởi nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long lưu ý.

Các bạn trẻ khởi nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long lưu ý. Dưới đây là email của 1 bạn gửi về sự kiện sắp diễn ra, liên quan đến khởi nghiệp về nông nghiệp.

"Thân chào Dượng Tony,

Con tên là Huy. Con rất hâm mộ những bài viết của Dượng dành cho giới trẻ, khuyến khích giới trẻ sống có nghị lực, làm giàu cho bản thân và cho đất nước, đến nỗi trong mỗi chuyến du lịch con đều mang theo cuốn "Cafe cùng Tony" của Dượng để đọc trong lúc chờ xe/máy bay hoặc lúc ngồi trên xe.

Không giấu gì Dượng, con xin được địa chỉ email của Dượng từ 1 người bạn lúc trước tham gia dự án làm mứt thanh long của Dượng. Lý do con xin là hiện nay con đang tổ chức 1 hội nghị mang tên "Thách thức và cơ hội phát triển khởi nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ" ở Cần Thơ vào ngày 21/3/2015. được tổ chức bởi Công ty Cổ phần StartUp.vn, kết hợp cùng những doanh nhân trẻ trong nhóm kiến tạo toàn cầu (Global Shapers) của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Việt Nam. Sự kiện sẽ có sự tham dự của Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Cục Trưởng Cục Công Tác phía nam - Bộ Khoa Học Công Nghệ; Giám Đốc Vườn Ươm doanh nghiệp Silicon Valley - Bộ Khoa Học Công Nghệ; và 1 số doanh nhân trẻ khác.

Đây là lần đầu tiên 1 sự kiện về khởi nghiệp được tổ chức tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, con thực sự mong Dượng hỗ trợ giới thiệu sự kiện này đến cộng đồng sinh viên, các đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Cần Thơ/ĐBSCL, các doanh nhân trẻ có ý tưởng khởi nghiệp và đang tìm kiếm cơ hội hiện thực hóa ý tưởng.

Con gửi Dượng đường link đăng ký tham gia chương trình, trong đó có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm của sự kiện, thành phần khách mời và diễn giả. Thay mặt Ban Tổ Chức sự kiện, con xin chân thành cảm ơn Dượng.

Huy Phạm"

Link: https://docs.google.com/forms/d/1htcNGcQ3UOy1JCRYwu3gLULKB27lu94dY4nH33At4N0/viewform


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=964315896954603&id=511088052277392

Hệ thống đường sá ở Đài Loan với những con đường 10-12 làn, dù mật độ xe rất ít hay nhiều, họ đều làm như vậy "để dành".

Hệ thống đường sá ở Đài Loan với những con đường 10-12 làn, dù mật độ xe rất ít hay nhiều, họ đều làm như vậy "để dành". Nhà dân, cơ quan...chỉ được xây dựng cách taluy đường 100m trừ ở trung tâm thành phố. 100m đó họ trồng cây. Khi mật độ xe quá đông của vài ba chục năm sau, 100m trồng cây đó sẽ dùng xây đường trên cao, cho các doanh nghiệp đấu thầu tự xây, tự doanh. Đường xuyên tâm thành phố từ tây sang đông hay nam bắc đều là đường trên cao. Nếu ai muốn đi miễn phí hay có nhu cầu rẽ vào các con phố thì đi đường phía dưới, vì miễn phí nên thường rất đông. Còn đường trên cao do các doanh nghiệp đầu tư, ai muốn đi nhanh thì bỏ tiền ra, ít kẹt xe hơn.

Các ngã tư trong trung tâm thành phố đều có hệ thống đèn xanh đèn đỏ với nguyên tắc 1 xanh 3 đỏ. Vì Đài Loan cho xe máy đi trong thành phố nên việc rẽ trái của xe máy rất dễ xung đột nếu bật đèn xanh đối diện.
https://fbcdn-vthumb-a.akamaihd.net/hvthumb-ak-xfp1/v/t15.5256-10/s130x130/11048850_963839417002251_659671023_n.jpg?oh=cbb45207edf7bb3d14523fa9f795455d&oe=55B33622&__gda__=1437968923_74a2b7c95e3a8a60eab18cd1bbf77bbb
http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=963835760335950&id=511088052277392

Chuyện ở Trung Đông

Chuyện ở Trung Đông

Các quốc gia ở Trung Đông hầu hết nằm trên những giếng dầu khổng lồ. Cứ thế, ra sau nhà múc dầu lên bán.

Nhưng gần đây, thế hệ con em của các nhà giàu Ả Rập sau khi du học Tây Tàu về, nhận thấy sự giàu có do tài nguyên thiên nhiên mang lại không vững bền được. Vì tài nguyên sẽ cạn kiệt, những quốc gia phồn vinh nhất lại là những quốc gia ít tài nguyên thiên nhiên nhất, tài nguyên con người mới là quan trọng. Những cái đầu kiệt xuất, giỏi giang sẽ giúp quốc gia phát triển bền vững. Không có dòng máu của ai, của dân tộc nào là đẳng cấp cả, tất cả đều do đào tạo mà nên. Một đứa trẻ mồ côi trong trại mồ côi ở Việt Nam cũng có thể trở thành 1 bộ trưởng ở Đức. Cũng không có người dở, chỉ có người lười học tập và lười lao động và biến thành người dở.

Nói là làm, họ đầu tư con người kinh khủng, điển hình như Ả Rập Sau-di, quốc gia luôn dẫn đầu về lượng sinh viên du học tại Mỹ và châu Âu. Đặc trưng của nhóm này là sau khi học xong, họ về nước chứ không ở lại, mở cơ ngơi làm ăn, chủ yếu các ngành nghề không liên quan đến dầu khí. Nên họ học không vì bằng cấp, mà học để biết cách làm. Dubai hay nhiều thành phố khác trở thành các trung điểm cho du lịch, tài chính, thể thao, hậu cần, vận tải…vì họ biết TIỀN ĐẺ RA TIỀN. Các doanh nhân ở đây biến lợi thế nằm giữa lục địa Á-Phi-Âu của vùng trung đông và cứ thế hốt bạc của Âu, Á, Phi, có nhiêu tiền đem qua cho họ hết.

Các sân bay ở Dubai, Doha…không ngừng mở rộng quy mô, làm cơ sở cho 3 hãng hàng không lớn nhất ở Trung Đông, đều được xếp hạng 5 sao, là Emirates, Qatar và Etihad. Mỗi hãng có mấy trăm chiếc máy bay tân tiến hiện đại, họ tổ chức đi thu gom khách hầu hết mọi thành phố lớn ở châu Á, từ Phnom Pênh đến Mumbai, Tokyo, Thượng Hải….rồi chở về trung điểm. Từ trung điểm đó, họ túa đi mọi thành phố lớn ở châu Âu và châu Phi. Các sân bay ở đây hoạt động 24/24 và các chuyến bay nối tiếp nhộn nhịp vô cùng, các xe buýt chở đầy khách từ cửa này đến cửa kia trong sân bay, băng qua những con đường đầy cát của sa mạc, thậm chí từ terminal này đến terminal kia phải đi tàu điện. Ví dụ như sân bay Dubai, có tới 70 triệu hành khách 1 năm, và nối tuyến trực tiếp với 270 thành phố trên thế giới, có 90,000 nhân viên phục vụ tại sân bay trực tiếp, nửa triệu việc làm gián tiếp. Hàng năm, sân bay này thu về 27 tỷ đô la, bằng GDP một quốc gia nhỏ.

Điều đặc biệt là công nhân viên ở các sân bay phần lớn là người nước ngoài. Họ tự tìm đến để làm việc (search "apply job in Dubai/Doha airport"). Còn trên các chuyến bay, tiếp viên đủ thành phần quốc tịch, phi công cũng vậy, chỉ có máy bay, sân bay, tiền lãi…là của các ông chủ Ả Rập. Vì họ đào tạo dân họ với thói quen "cho việc" tức quản lý và kiếm tiền, còn nhân lực thuê mướn hết. Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan, Philippines, Indonesia…là những nơi cung cấp nhân lực nhiều nhất cho họ.

Họ có văn phòng tuyển nhân lực ở các nước. Ở Ấn, họ tuyển ở Mumbai, Chennai và New Delhi. Ở Trung Quốc, họ đặt VP ở Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh. Ở Đông Nam Á, họ đặt văn phòng tuyển người ở Singapore và Kuala Lumpur. Các bạn trẻ phải tự nộp hồ sơ và sang đó phỏng vấn, ngày nào cũng có tuyển. Các bạn trẻ mới ra trường ở Đông Nam Á rất thích công việc tiếp viên hàng không hay nhân viên mặt đất ở sân bay trung chuyển, thường làm 2-3 năm để kiếm ít tiền trước khi về nước làm ăn.

Ngoài ra, nếu làm tiếp viên HK, còn có cơ hội du lịch miễn phí. Vì một đoàn tiếp viên bay đường dài, ví dụ đến Milan Ý, sẽ nghỉ ngơi vài ngày. Toàn ở khách sạn 5 sao. Ở Tp HCM, đoàn tiếp viên hay ở khách sạn Movenpick, đứa nào đứa nấy vô khách sạn đẹp như tiên nữ ngọc đồng, sáng lóa cả góc trời.

Chúc các bạn trẻ tự tin làm việc và trở thành công dân toàn cầu. Làm việc ở Trung Đông, giá cả sức lao động là công bằng cho mọi quốc tịch. Họ cũng không quan tâm bằng cấp, high school là đủ, miễn tiếng Anh giao tiếp tốt. Nhưng phải thể dục thể thao để khỏe mạnh, chịu đựng được cường độ làm việc với "con nhà người ta". Con nhà người ta bây giờ là Mary, Zhu Xiao Bin, Sasaki, Peter, Mohamed, Naidu…nên mình phải cao lớn, khỏe mạnh, đẹp đẽ ngang hàng với họ. Dẹp thói quen dặt dẹo với ipad laptop mà đầu tư cho thể lực và trí lực đi, để phân công lao động quốc tế. Lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp không phải 4-5 triệu nữa mà là 2000-3000 USD.

Mình làm ở đó, lương bổng cao nên về quê hương Cà Mau xài tiền như nước nhé, gián tiếp làm cho quê nhà giàu có hơn. Ví dụ 1 con cua Cà Mau, dân địa phương ăn 20,000 đồng còn lật qua lật lại chê óp chê nhỏ, mình phá giá liền, mua con cua đó giá 200 ngàn đồng trong sự ngỡ ngàng của thực khách bản địa. Người thì nước hoa sực nức, ăn vận sang trọng, mở miệng nói tiếng Anh lơ lớ, người ta đang hâm mộ nên mình phải chảnh lên. Giả bộ rút ví ra boa luôn chị bán cua 100 ngàn, nói chụy ơi hấp bia Corona giùm em nghen chị, làm chị ấy lúng túng chơi, dưới quê có ai biết bia Corona là bia gì.

Nói giỡn chứ các bạn trẻ lo đầu tư vào tài sản của mình đi. Chuẩn quốc tế hết đi. Chỉ có 4 loại tài sản là vốn sống, nhân cách, thể lực và trí lực. Còn lại là phương tiện hết. Bằng cấp chỉ là miếng giấy chứng nhận trong một thời gian nào đó có vượt qua 1 kỳ sát hạch. Biệt thự chung cư cũng chỉ là phương tiện trú ngụ (giống cái hang đá ngày xưa), siêu xe (xe hơi xe máy cũng như xe ngựa cách đây mấy trăm năm) hay tiền bạc (đô la vàng bạc cũng chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa, giống vỏ sò cách đây 2000 năm). Đừng nhầm mà đầu tư cho phương tiện, giống cách đây 2000 năm, nhiều người ngây ngô đầu tư xây dựng hang đá thiệt đẹp, xe ngựa thiệt to, vỏ sò thiệt nhiều…rồi lúc đó khoe khoang này nọ, nói để dành cho con cháu, giờ có dùng nữa đâu? Nên giờ mình đầu tư biệt thự, tiền bạc, xe cộ…2000 năm nữa tụi nhỏ nó cười mình chết. Ông tổ để lại một nhân cách lấp lánh, một trí tuệ lung linh vẫn tuyệt vời hơn 1 đống vỏ sò lòe loẹt.

Học học học. Làm làm làm. Kỷ luật kỷ luật kỷ luật…!!!